Giờ cao điểm chiều 7/1, ghi nhận của phóng viên Dân trí, trục đường Vành đai 3, nút giao cầu Mai Dịch... (Hà Nội) có lưu lượng xe cộ rất đông, xuất hiện ùn ứ cục bộ. Tuy nhiên, đại đa số người dân đều chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Trên nhánh đường từ cầu Mai Dịch hướng đi Xuân Thủy, một người đàn ông đi xe máy có ý định tăng ga vượt đèn đỏ thì nghe thấy giọng một người đi phía sau nói vọng lên "phạt 5 triệu đấy". Người này lập tức đạp phanh xe, dừng ngay trước vạch sơn, khi đèn tín hiệu đang báo đỏ.
Cảnh sát giao thông dừng xe anh Vi Quốc Đ. (Ảnh: Trần Thanh).
Cũng trong chiều nay, tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) đã cử một tổ xử lý vi phạm.
Năm chiến sĩ được phân công làm nhiệm vụ tại các hướng. Nhiều phương tiện, chủ yếu là xe máy vẫn đi ngược chiều, đi trên vỉa hè.
Lúc 17h, cảnh sát dừng xe ôm công nghệ của anh Vi Quốc Đ. (38 tuổi, ở quận Cầu Giấy), đang chở theo khách đi hướng Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy, do đi lên vỉa hè.
Hàng loạt tài xế xe máy đi lên vỉa hè đường Nguyễn Phong Sắc (Ảnh: Trần Thanh).
Anh Đ. thừa nhận vi phạm và được hướng dẫn vào chốt lập biên bản. Khi được thông báo hành vi này sẽ bị phạt 4-6 triệu đồng thay vì 800.000-1 triệu đồng như trước, nam tài xế xót xa: "Cuốc xe ôm có 25.000 mà phạt tới 5 triệu thì hết hơn nửa tháng lương".
Cảnh sát cho nam tài xế xem lại hình ảnh vi phạm của bản thân (Ảnh: Trần Thanh).
Tài xế cho biết cả ngày lái xe, về nhà nghỉ ngay chứ không đọc tin tức nên không nắm được quy định mới. "Từ sáng đến giờ tôi mới chạy được vài cuốc, tiền công chưa trừ xăng là hơn 300.000 đồng", anh Đ. nói.
10 phút sau, cảnh sát phát hiện xe máy biển Hà Tĩnh do Thùy L. (20 tuổi) điều khiển đi lên vỉa hè. Cô gái này cho biết do đang vội đi thi "nên phải đi lên vỉa hè cho nhanh,tải game bài mậu binh bởi dưới lòng đường bị tắc".
"Tôi cũng có thấy trên đài, báo nói nhiều về việc tăng mức phạt nhưng chỉ nghĩ là tăng mức vượt đèn đỏ chứ không ngờ đi lên vỉa hè cũng bị phạt cao như thế. Với tôi mức phạt 5 triệu đồng là bài học nhớ đời", L. nói.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, thái độ tùy tiện khi tham gia giao thông, coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có.
Cảnh sát giao thông dùng camera cầm tay để ghi nhận các trường hợp vi phạm (Ảnh: Trần Thanh).
Nhiều người thừa nhận là ngại không muốn dừng xe, thấy các xe khác vượt đèn đỏ thì cũng lao theo, muốn về nhà sớm… lâu dần thành thói quen vượt, nhất là khi không có lực lượng cảnh sát túc trực.
"Việc tăng nặng mức phạt tiền với các hành vi và nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông là một trong những biện pháp ngăn chặn vi phạm, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn. Mục tiêu cao nhất là mỗi người dân ra đường đều trở về nhà an toàn", lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông nói.
Năm 2024, cả nước xảy ra hơn 21.500 vụ tai nạn, làm hơn 9.950 người chết, 16.000 người bị thương. Trong các nguyên nhân, lớn nhất là người điều khiển phương tiện không đi đúng chiều đường với hơn 3.000 vụ, 360 vụ do vượt đèn đỏ...
Thiếu tá Hoàng Văn Bình, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 6 (Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội), cho biết vào giờ cao điểm, nhiều người có thói quen đi lên vỉa hè cho nhanh nhưng không ý thức được đây là hành vi gây nguy hiểm cho người đi bộ và làm hỗn loạn giao thông.
"Tại Nghị định 168, mức phạt đối với hành vi này tăng cao nhằm răn đe người vi phạm, buộc họ phải chấp hành, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông", Thiếu tá Nguyễn Văn Bình nói.
Cũng theo Thiếu tá Bình, việc giữ cho giao thông trật tự, an toàn còn góp phần để người tham gia giao thông hình thành thói quen chấp hành luật và văn hóa giao thông.